Chi tiết tin - tin tức sự kiện - Sở Ngoại Vụ

UNESCO chính thức công nhận Di sản thiên nhiên xuyên biên giới Việt - Lào

14-07-2025 10:17

Ngày 13/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức thông qua Quyết định điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) để mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Khu di sản liên biên giới được ghi danh với tên gọi chung: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô”.

Ảnh: Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 13/7/2025

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác bảo tồn thiên nhiên và di sản tại khu vực Đông Nam Á. Việc mở rộng này được UNESCO ghi nhận dựa trên ba tiêu chí quan trọng gồm: địa chất - địa mạo (tiêu chí viii), hệ sinh thái (tiêu chí ix) và đa dạng sinh học (tiêu chí x).

Với quyết định này, Vườn quốc gia Hin Nam Nô - vốn giáp ranh tự nhiên với Phong Nha - Kẻ Bàng - chính thức trở thành một phần trong hệ thống di sản có quy mô lớn và giàu giá trị toàn cầu. Theo đánh giá của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), khu vực hợp nhất này là một trong những cảnh quan karst đá vôi ẩm nhiệt đới nguyên vẹn và lâu đời nhất châu Á, hình thành cách đây hơn 400 triệu năm.

Về mặt địa chất, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô sở hữu hệ thống karst độc đáo, kết hợp phức tạp giữa đá vôi, đá phiến, đá cát và đá granite. Hệ thống hơn 220km hang động, sông ngầm trong lòng đất như Sơn Đoòng (Việt Nam) hay Xe Bang Fai (Lào) là minh chứng cho quá trình địa mạo kéo dài hàng triệu năm. Đặc biệt, hang Sơn Đoòng hiện là hang động có đoạn lớn nhất thế giới về đường kính và tính liên tục.

Ảnh: Cảnh quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Về sinh học, khu vực này là nơi sinh sống của hơn 2.700 loài thực vật có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống. Riêng tại Hin Nam Nô đã ghi nhận hơn 1.500 loài thực vật và 536 loài động vật có xương sống, trong đó nhiều loài quý hiếm và đặc hữu như nhện săn khổng lồ - loài nhện lớn nhất thế giới chỉ xuất hiện tại tỉnh Khăm Muộn (Lào). Khu vực còn là nơi cư trú của 10-11 loài linh trưởng, bao gồm quần thể còn lại lớn nhất của vượn má trắng miền Nam và voọc đen đặc hữu.

Ảnh: Toàn cảnh Vườn Quốc gia Hin Nam No

Việc xây dựng hồ sơ đề cử chung được hai nước bắt đầu thống nhất từ đầu năm 2023. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã triển khai nhiều đợt làm việc, khảo sát, tổ chức hội nghị, xây dựng kế hoạch quản lý và hỗ trợ nhau hoàn thiện bộ hồ sơ trình UNESCO.

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 9 Di sản thế giới, trong đó có 2 Di sản thế giới liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc (tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng), cùng với Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn).

Việc di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được UNESCO công nhận sẽ là hình mẫu cho việc quản lý di sản thế giới liên biên giới đầu tiên để Việt Nam có thể đóng góp kinh nghiệm thực tiễn vào công tác quản lý di sản thế giới theo Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO.

Ngoài ra, đây cũng là biểu tượng của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực di sản văn hóa, qua đó góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết bền chặt giữa hai nước láng giềng anh em.

 

Nguồn: BGLS

Sở Ngoại vụ Quảng Trị
Địa chỉ: 02 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đồng Hới - tỉnh Quảng Trị
Email: songoaivu@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ