Chi tiết tin - tin tức sự kiện - Sở Ngoại Vụ
- TRANG CHỦ
- GIỚI THIỆU ▼
- CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
- Văn bản sở ban hành, tiếp nhận
- Hồ sơ công việc
- Thông tin phục vụ công chức
- Thực hiện nhiêm vụ UBND tỉnh giao
- Thư điện tử công vụ
- Văn bản QPPL
- Điều ước quốc tế
- CƠ SỞ DỮ LIỆU ▼
- TIN TỨC - SỰ KIỆN
- Hợp tác quốc tế
- Biên giới, biển đảo
- Thông tin đối ngoại
- Công tác PCP nước ngoài
- Lễ tân đối ngoại
- Hành lang kinh tế Đông - Tây
- Công tác lãnh sự
- Người VN ở nước ngoài
- Đối ngoại nhân dân
- Đảng, Đoàn thể
- Cải cách hành chính
Tổ chức chào cờ và sinh hoạt tư tưởng dưới cờ tháng 9/2024
Thực hiện Kế hoạch số 274/KH-SNgV ngày 19/2/2024 của Sở Ngoại vụ về tổ chức chào cờ và sinh hoạt dưới cờ hàng tháng năm 2024, nhằm giáo dục nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn cơ quan, đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 9/9/2024, Sở Ngoại vụ đã tổ chức buổi sinh hoạt tư tưởng dưới cờ tháng 9 với sự tham gia của toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Sở Ngoại vụ, Trung tâm Phục vụ đối ngoại tỉnh và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh. Chương trình chào cờ với các nội dung: tuyên truyền, phổ biến về giá trị, ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành tựu sau 55 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 – 2024); thông tin về vai trò của các tổ chức PCPNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; khen thưởng triển khai thực hiện phong trào thi đua chào mừng ngày thành lập ngành 28/8 và Quốc khánh 2/9.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bác viết vào năm 1965, với tiêu đề "Tuyệt đối bí mật" gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, bấy giờ là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1968, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói "về việc riêng" đã viết trong bản năm 1965, và viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước. Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, ngày sinh lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi… Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969. Nội dung chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, đoạn mở đầu là của bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là của bản viết năm 1968. Lúc đầu, vì những lý do nhất định, nên một số vấn đề trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được công bố, như: Việc căn dặn của Người về hoả táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp... Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người. Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với Nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với Nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Bác khẳng định Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Điều Bác dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”. Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Giá trị văn hoá của Di chúc chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội, lấy văn hoá chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hoá trong thể chế nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân làm sức mạnh tiêu biểu nêu gương thuyết phục Nhân dân. Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”
Từ những giá trị trên, chúng ta có thể khẳng định ý nghĩa to lớn của Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam hôm nay và tương lai. Các bài học qua 55 năm thực hiện Di chúc vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng mới. Đó là, bài học về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.
Sau 55 thực hiện Di chúc, Đảng, nhà nước và Nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Từ thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975; mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Sau thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chúng ta đã có gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, bước đầu đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân.
Nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. VN đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2014. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực. FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, là điểm sáng ấn tượng. Thông qua quá trình tự đổi mới và chỉnh đốn, Đảng được Xây dựng thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, chú trọng việc tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng và trong toàn xã hội. Khẳng định được vị thế là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả rõ rệt, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công cuộc đổi mới đất nước đã xây dựng được thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước. Chúng ta đã nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, tạo nên vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối với tỉnh Quảng Trị nói riêng, vào tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Là một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thiên tai bão lũ thường xuyên, xuất phát điểm của nền kinh tế xã hội còn thấp; sau gần 35 năm hồi sinh, đổi mới và phát triển, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của địa phương còn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác thông qua các nguồn viện trợ PCPNN.
Ngay sau khi Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo giai đoạn của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, và hàng năm lồng ghép với chương trình xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Chương trình tập trung vào 7 lĩnh vực ưu tiên: Nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn; Y tế; Giáo dục; Giải quyết các vấn đề xã hội; Khắc phục hậu quả chiến tranh; Bảo vệ môi trường; Tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ.
Những kết quả mang lại trong thực tế triển khai các dự án như một câu trả lời đầy thuyết phục của chính quyền địa phương đối với các nhà tài trợ, niềm tin tăng lên, công tác vận động viện trợ PCPNN ngày càng khởi sắc. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã có quan hệ hợp tác với trên 60 tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN. Chỉ tính riêng trong 4 năm (2020-2023), tỉnh và các đối tác đã vận động được hơn 91 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả giai đoạn 2020-2025 là 60 triệu USD. Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 77 viện trợ dự án và phi dự án từ nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết hơn 55,4 triệu USD, tương đương khoảng 1.254 tỷ đồng, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Quảng Trị trở thành một trong những tỉnh thành dẫn đầu trong cả nước về giá trị vận động viện trợ PCPNN, với khoảng 10% tổng giá trị viện trợ. Các chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN/nhà tài trợ tập trung triển khai trong các lĩnh vực: khắc phục hậu quả chiến tranh; y tế; giáo dục và đào tạo; giải quyết các vấn đề xã hội; người khuyết tật; phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp… Trong đó, lĩnh vực triển khai nổi bật nhất là khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Các dự án hợp tác phi chính phủ nước ngoài đã góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Các tổ chức PCPNN đã góp một nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển xã hội: đóng góp khoảng 2,24% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và 13,1% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ năm 2020-2023. Các dự án tài trợ tại khu vực nông thôn, miền núi chiếm 91,5% giá trị viện trợ trên toàn tỉnh theo định hướng của các tổ chức PCPNN ưu tiên các vùng còn khó khăn, thiếu thốn.
Vai trò của các tổ chức PCPNN đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Trị, thể hiện rõ trên những khía cạnh sau:
- Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới: các dự án viện trợ phi chính phủ đã góp phần cải thiện điều kiện sinh kế, nâng cao chất lượng sản xuất, tiếp cận các nguồn lực đầu vào (con giống, vốn vay ưu đãi, phân bón...) tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, người khuyết tật. Rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có chất lượng, hiệu quả đã được nhân rộng, phát huy hiệu quả như: Mô hình nuôi dê sinh sản, nuôi bò sinh sản, mô hình trồng tiêu, sản xuất lúa hữu cơ...
- Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân: các khoản viện trợ tập trung vào nhóm hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng (trong đó có bà mẹ và trẻ em), nhãn khoa, khám và sàng lọc ung thư tử cung, phòng chống suy dinh dưỡng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cải thiện môi trường sống nhằm bảo vệ sức khỏe. Các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở, y tế thôn bản đem lại hiệu quả thiết thực.
- Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề: các khoản viện trợ góp phần giúp các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh cải thiện đáng kể điều kiện cơ sở vật chất thông qua việc tài trợ xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa trường học, phòng học, thư viện, nhà mẫu giáo…, giúp học sinh tăng cường hiểu biết về các tác hại của bom mìn gây ra, tích lũy kiến thức, kỹ năng để nhận biết và phòng tránh các nguy cơ, tai nạn có thể xảy ra. Các chương trình học bổng là nguồn động viên khích lệ đầy ý nghĩa, tạo động lực cho các em học sinh nghèo tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.
- Giải quyết các vấn đề xã hội: nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đã tiếp cận đến các nhóm đối tượng yếu thế/dễ bị tổn thương trong xã hội như: người nghèo, người khuyết tật... phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Các hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt, giúp người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.
- Lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn: đây vẫn là lĩnh vực trọng tâm với nhiều khoản viện trợ có quy mô vốn tương đối lớn, thời gian thực hiện dài. Nguồn lực tài trợ cùng với những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân vùng hưởng lợi đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, giảm thiểu nguy cơ tai nạn bom mìn, vật nổ; nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đối tác tại địa phương.
- Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai: đây là lĩnh vực nhận được vốn viện trợ còn khiêm tốn do các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn ít.
- Tăng cường năng lực quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ: các dự án PCPNN đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đặc biệt là nhân lực trong hoạt động rà phá bom mìn.
- Ngoài ra, các tổ chức PCPNN còn góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân, đóng vai trò cầu nối thông tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, là kênh thu hút vốn đầu tư và mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó nâng cao hình ảnh của Quảng Trị với thế giới, giới thiệu về môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, minh bạch của địa phương.
Trong điều kiện nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương còn hạn chế, sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức PCPNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và các hoạt động phát triển bền vững tỉnh Quảng Trị mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức quốc tế và PCPNN sẽ tiếp tục phát triển theo cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Quảng Trị và bạn bè quốc tế.
Cũng tại buổi Lễ chào cờ tháng 9/2024, thực hiện Kế hoạch số 437/KH-SNgV ngày 12/3/2024 và Kế hoạch số 1206/KH-SNgV ngày 05/7/2024 của Sở Ngoại vụ về việc phát động các phong trào thi đua năm 2024, Giám đốc Sở Ngoại vụ đã quyết định khen thưởng các tập thể, cá nhân thuộc Sở Ngoại vụ có nhiều thành tích trong công tác tổ chức Lễ hội vì Hòa bình năm 2024; đề xuất UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cá nhân và tập thể Sở Ngoại vụ./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
-
Hội nghị sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2024 và quán triệt Các văn bản chỉ đạo đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
(01-08-2024) -
Hội nghị sơ kết công tác đối ngoại 06 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024
(26-07-2024) -
Gặp gỡ thân nhân các gia đình có công với cách mạng
(24-07-2024) -
Các hoạt động tri ân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 (1947-2024)
(20-07-2024) -
Đại hội Chi đoàn Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2024 - 2027
(24-04-2024) -
Những giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của lực lượng lao động dự án PTVNQT trong việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
(09-04-2024) -
Chi bộ cơ quan Sở Ngoại vụ tổ chức sinh hoạt chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”
(29-03-2024)