Chi tiết tin - tin tức sự kiện - Sở Ngoại Vụ

Kỷ Niệm 80 Năm Ngày Thành Lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)

19-12-2024 08:53

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) là dịp đặc biệt để chúng ta tự hào nhìn lại chặng đường vẻ vang của một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là lực lượng bảo vệ Tổ quốc mà còn là biểu tượng của ý chí độc lập, tinh thần tự cường và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Quá Trình Hình Thành và Phát Triển Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Ngày này 80 năm về trước, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân tuyên truyền cách mạng, kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Đúng như nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trong Chỉ thị thành lập Đội: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền, đồng thời là đội quân chủ lực đầu tiên, có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”. Như vậy, ngay từ buổi đầu, Đội không chỉ là công cụ chiến đấu mà còn là lực lượng tuyên truyền, gắn bó mật thiết với Nhân dân, góp phần giác ngộ, thức tỉnh tinh thần yêu nước, vận động quần chúng Nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập. Sự khởi đầu kết hợp giữa tuyên truyền và đấu tranh quân sự đã đặt nền móng cho một lực lượng quân đội Nhân dân độc đáo, gắn liền với dân tộc, được Nhân dân yêu mến và ủng hộ, tạo nên một sức mạnh vô hình, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, từ đó hình thành nên một lực lượng quân sự vừa kiên cường, vừa thấm nhuần lý tưởng cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đội quân nhỏ bé này đã nhanh chóng phát triển thành lực lượng quân đội chính quy, đóng vai trò trung tâm trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trở thành biểu tượng bất khuất của ý chí và lòng kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do. Đúng như Bác từng khẳng định trong Chỉ thị: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh,... Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam”...

(Ảnh: Bào tàng Lịch sử Quốc gia)

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt nam. Từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã phát huy vai trò của mình trong công cuộc chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, lực lượng quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhanh chóng phát triển thành một quân đội chính quy, có tổ chức, trang bị, đào tạo và chiến đấu ngày càng vững mạnh. Trong suốt 80 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng cũng rất vẻ vang. Từ các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới, cho đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông, quân đội ta luôn thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường và trí tuệ của người lính cách mạng.

Những Thành Tựu Vĩ Đại của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần quả cảm và quyết tâm bảo vệ đất nước. Trải qua nhiều trận đánh lớn nhỏ, từ cuộc kháng chiến trường kỳ trên toàn quốc, Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông (1947), Biên giới Thu Đông (1950) đã phá tan các cuộc càn quét, mở ra giai đoạn phản công chiến lược. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) đã làm chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm và mở ra một kỷ nguyên mới cho nền độc lập của dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân đội tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, từ những trận đánh nhỏ tại miền Nam đến các chiến dịch quy mô lớn như Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975). Chiến thắng ngày 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi của quân và dân Việt Nam mà còn là nguồn cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, các đơn vị Quân đội đứng chân trên các vùng mới được giải phóng đã phối hợp với Ủy ban quân quản các cấp, khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức cải tạo binh lính cảnh sát của bộ máy chính quyền cũ, trấn áp các phần tử và tổ chức phản động,… Đồng thời, các đơn vị đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, Quân đội tiếp tục khẳng định vai trò trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Các chiến dịch bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc trong những năm 1978, 1979 cho thấy bản lĩnh và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Quân đội đã không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước: cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ Nhân dân vùng sâu, vùng xa. Thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất, Quân đội đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong giia đoạn mới; xây dựng và phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các địa bàn chiến lược, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Các doanh nghiệp quân đội được tổ chức, sắp xếp phù hợp với yêu cầu đổi mới qua từng thời kỳ, vừa phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Các đơn vị đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, đóng góp đáng kể vào thu nhập quốc dân, đảm bảo an sinh xã hội; tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Toàn dân đã chú trọng tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống của bộ đội. Ngày nay, Quân đội không ngừng hiện đại hóa, trở thành lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Những thành tựu to lớn trong lĩnh vực quốc phòng như phát triển công nghiệp quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được khái quát cô đọng trong lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nếu ví Quân đội nhân dân Việt Nam là thanh gươm thép, thì Nhân dân chính là bệ đỡ và nguồn sức mạnh vô tận, là chất xúc tác để thanh gươm luôn sắc bén. Ngay từ ngày đầu thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mang trong mình bản chất cách mạng, là đội quân trung thành với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Chính mối quan hệ "quân với dân như cá với nước" đã tạo nên sức mạnh to lớn, đưa quân đội vượt qua mọi thử thách và khó khăn trong suốt hành trình lịch sử. Từ thời chiến đến thời bình, tinh thần “vì Nhân dân quên mình” tiếp tục là kim chỉ nam hành động của các chiến sĩ. Trước thiên tai, dịch bệnh, hình ảnh người lính sẵn sàng lao vào tâm bão, vùng lũ để cứu dân hay đứng tuyến đầu trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã để lại ấn tượng sâu sắc. Những chiến sĩ bộ đội biên phòng ngày đêm tuần tra nơi biên giới, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực sự là biểu tượng sống động của mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân. Tại các vùng sâu, vùng xa, bộ đội còn trở thành những "thầy giáo quân hàm xanh", những bác sĩ quân y chữa bệnh cho đồng bào, góp phần nâng cao đời sống và tri thức của Nhân dân. Không dừng lại ở đó, Quân đội còn đóng vai trò tiên phong, góp sức, đồng hành với Nhân dân trong nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, như xây dựng đường sá, trường học, trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa; bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Đây chính là minh chứng rõ nét cho bản chất cách mạng, vì dân phục vụ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh quyết liệt; tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng. Nhiều điểm nóng, xung đột tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, nhiều hình thái chiến tranh mới làm thay đổi môi trường chiến lược. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, tác động tiêu cực đến sự tồn tại, phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ở trong nước, mặc dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, kinh tế vĩ mô bảo đảm ổn định nhưng chưa thật sự vững chắc; tiềm lực đất nước tiếp tục được tăng cường, uy tín, vị thế trên trường quốc tế được nâng cao, song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ Đảng ta xác định vẫn còn hiện hữu; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá" trong nội bộ, tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi; sự xuống cấp của một số giá trị văn hóa và đạo đức, những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội còn diễn biến phức tạp. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội với âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện và tinh vi hơn. Tình hình đó đặt ra những khó khăn, thách thức mới đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa tốt đẹp, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đổi với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam, đường lối, quan điểm của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tỉnh hình mới, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chú trọng xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, nâng cao tính bền vững và khả năng huy động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong các tình huống. Xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, tạo thế bố trí phòng thủ liên hoàn trên từng địa bàn và phạm vi cả nước. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại theo đúng quan điểm chỉ đạo: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tỉnh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Điều chỉnh tổ chức Quân đội theo hướng tỉnh, gọn, mạnh, gắn với bố trí lại lực lượng và nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội. Giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và nghệ thuật quân sự Việt Nam; thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất", sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; nâng cao năng lực phòng, chống chiến tranh không gian mạng, chiến tranh thông tin. Đồng thời, quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách đổi với Quân đội và chính sách hậu phương quân đội.

(Ảnh: Báo tuổi trẻ)

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo tinh thần Kết luận số 53 ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW ngày 26/2/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, kiên định chính sách quốc phòng “Bốn không" của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Từ đó, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta; qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tỉnh nhuệ, hiện đại trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. 

Nguồn tham khảo: Hướng dẫn số 160-HD/BTGTW ngày 25/7/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

 

Nguồn: BGLS

Sở Ngoại vụ Quảng Trị
Địa chỉ: 20 Lê Đại Hành - TP.Đông Hà - tỉnh Quảng Trị - Việt Nam
Điện thoại: +84 233 3550383 - 3854745 - 3852439
Fax: +84 233 3851200 Email: songoaivu@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ