Chi tiết tin - tin tức sự kiện - Sở Ngoại Vụ
- HOME
- ABOUT US ▼
- OVERSEA VIETNAMESE
- Văn bản sở ban hành, tiếp nhận
- Hồ sơ công việc
- Thông tin phục vụ công chức
- Thực hiện nhiêm vụ UBND tỉnh giao
- Thư điện tử công vụ
- Văn bản QPPL
- Điều ước quốc tế
- DATABASE ▼
- NEWS
- Hợp tác quốc tế
- Biên giới, biển đảo
- Thông tin đối ngoại
- Công tác PCP nước ngoài
- Lễ tân đối ngoại
- Hành lang kinh tế Đông - Tây
- Công tác lãnh sự
- Người VN ở nước ngoài
- Đối ngoại nhân dân
- Đảng, Đoàn thể
- Cải cách hành chính
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Từ lòng chảo chiến trận đến thắng lợi trên bàn đàm phán quốc tế
Dẫu 71 năm đã trôi qua, thế nhưng Điện Biên Phủ vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, lòng yêu nước và trí tuệ Việt Nam - không chỉ là chiến thắng mang tính quân sự “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn là đòn bẩy chiến lược dẫn tới những thắng lợi lịch sử trên bàn đàm phán quốc tế.
Ngày 07 tháng 5 năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh tư liệu Báo Quân đội Nhân dân
Từ lòng chảo chiến trận đến bàn đàm phán quốc tế
Trước năm 1954, thực dân Pháp luôn tìm cách kéo dài chiến tranh nhằm giành lợi thế trong các cuộc đàm phán quốc tế. Trong chiến lược đó, Điện Biên Phủ được kỳ vọng sẽ là “cái bẫy khổng lồ” để tiêu diệt chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ đó buộc Việt Minh phải nhượng bộ. Tuy nhiên, điều không ngờ đến là chính tại nơi tưởng như “bất khả chiến bại” này, bộ đội Việt Nam đã giáng cho quân đội Pháp một đòn chí tử. Ngay sau khi nhận rõ thủ đoạn của chế độ thực dân, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và ra nghị quyết về kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, nhấn mạnh phương châm chiến đấu: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa các chiến trường ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Song song đó, Đảng và Chính phủ ta chủ trương mở mặt trận ngoại giao nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố lập trường hòa bình, yêu cầu thực dân tôn trọng độc lập Việt Nam - một phát ngôn gây tiếng vang lớn trong dư luận quốc tế.
Chiến dịch Điện Biên Phủ - Tư duy chiến lược và ý chí sắt đá
Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Cùng với đó, Chính phủ thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, huy động hơn 40.000 cán bộ, chiến sĩ chủ lực và hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong từ khắp nơi dốc toàn lực cho chiến dịch với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Để chuẩn bị tốt nhất cho trận quyết chiến, ta mở đợt triển khai mạnh mẽ trên các chiến trường: Tiến công Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía bắc; phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào Trung Lào; tiến sâu xuống Hạ Lào và Đông Campuchia; tiến công trên mặt trận Bắc Tây Nguyên; phối hợp tiến công phòng tuyến địch tại Thượng Lào. Các đòn tiến công đã phá vỡ thế tập trung quân cơ động của Nava ở đồng bằng Bắc Bộ, buộc địch phải phân tán lực lượng. Đồng thời, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ và các chiến trường Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ, phối hợp hiệu quả với mặt trận chính Điện Biên Phủ. Song song với mặt trận quân sự, mặt trận ngoại giao của Việt Nam, dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tận dụng triệt để thời cơ quý báu để đưa ra những yêu sách chính đáng, bảo vệ lợi ích dân tộc trong khuôn khổ đàm phán quốc tế. Từ một lực lượng bị coi là “phiến loạn” khi kháng chiến nổ ra, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giờ đây trở thành một thực thể chính trị không thể phủ nhận trên bàn cờ quốc tế.
“Đánh chắc, tiến chắc” - Tầm nhìn xa và sự điều chỉnh đúng lúc
Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định đúng đắn nhưng khiến thời gian tác chiến kéo dài, công tác chuẩn bị trở nên gian nan hơn. Với địa hình hiểm trở, việc kéo pháo, bố trí hệ thống hỏa lực phải tiến hành lại từ đầu. Nhưng với tinh thần quả cảm, quân và dân ta đã vượt qua mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh Nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Thắng lợi tại Điện Biên Phủ đã làm sụp đổ hoàn toàn ý chí chiến tranh của chính phủ Pháp, buộc họ phải từ bỏ hy vọng giành chiến thắng bằng quân sự. Một loạt cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp diễn ra trong nội bộ Pháp, dẫn đến việc các lãnh đạo chính trị Pháp phải lựa chọn con đường thương lượng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt Pháp vào thế yếu hoàn toàn tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, buộc họ phải đàm phán với Việt Nam trên thế thua, thay vì thế mạnh như họ từng hy vọng.
Vai trò quyết định của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Hội nghị Giơ-ne-vơ
Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, khai mạc ngày 8 tháng 5 năm 1954 - tức chỉ một ngày sau khi pháo đài cuối cùng của Pháp ở Điện Biên thất thủ - đã diễn ra trong một bối cảnh đầy biến động. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu bước vào Hội nghị với một tư thế hoàn toàn khác biệt. Họ không chỉ có vị thế chính nghĩa mà còn có thế mạnh thực tế trên chiến trường, với thắng lợi vang dội tại Điện Biên Phủ làm bằng chứng thuyết phục nhất. Chính chiến thắng này đã khiến các nước lớn, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc, coi trọng hơn tiếng nói của Việt Nam trong các toan tính quốc tế. Đồng thời, nó buộc các nước phương Tây - kể cả Mỹ - phải nhìn nhận lại toàn bộ chiến lược của họ tại Đông Nam Á, từ đó dẫn đến việc chấm dứt chính sách ủng hộ vô điều kiện cho Pháp. Những ngày thương lượng căng thẳng tại Giơ-ne-vơ không đơn thuần là cuộc đấu trí giữa các nhà ngoại giao, mà là sự tiếp nối của chiến thắng bằng quân sự. Mỗi luận điểm, mỗi đề xuất mà phái đoàn Việt Nam đưa ra đều có điểm tựa vững chắc từ thực tế chiến trường. Chính điều đó khiến tiếng nói của Việt Nam được lắng nghe và tôn trọng, dù trong hội nghị có mặt nhiều cường quốc với lợi ích đan xen, mâu thuẫn.
Trên cơ sở bài học từ Điện Biên Phủ, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta những năm sau đó luôn đặt trọng tâm vào việc tận dụng mọi thắng lợi trên thực địa để tạo thế chủ động trên bàn đàm phán. Điều này thể hiện rõ nét trong Hiệp định Paris năm 1973 và các hoạt động ngoại giao sau ngày thống nhất đất nước. Ngoài ra, chiến thắng Điện Biên Phủ còn truyền cảm hứng cho hàng loạt phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Tầm vóc toàn cầu và di sản ngoại giao từ một chiến thắng
Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng đầu tiên của một quốc gia thuộc địa chống lại một cường quốc thực dân bằng sức mạnh quân sự truyền thống, mà còn là thắng lợi đã buộc hệ thống thuộc địa toàn cầu phải lùi bước. Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 - nơi chiến thắng ấy được chuyển hóa thành kết quả cụ thể trên giấy là một dấu mốc đánh dấu sự chuyển dịch cán cân quyền lực trong thời kỳ hậu chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Không những thế, chiến thắng này còn để lại một di sản ngoại giao quý giá: tinh thần độc lập, tự chủ, kiên cường nhưng mềm dẻo, khôn khéo - những giá trị cốt lõi vẫn được kế thừa trong đường lối đối ngoại của Việt Nam đến tận ngày nay. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam vẫn vận dụng nhuần nhuyễn các bài học từ Điện Biên Phủ: kiên định mục tiêu dân tộc, đồng thời linh hoạt trong chiến thuật, biết lựa chọn thời điểm, biết “đàm phán trên thế mạnh”.
Ôn lại ký ức, củng cố tương lai
Kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2025) là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về giá trị trường tồn của chiến thắng ấy, không chỉ ở góc độ quân sự, mà đặc biệt ở góc độ chính trị - ngoại giao.
Dẫu bánh xe thời gian đã dần trôi hơn 7 thập kỷ, thế giới và khu vực có nhiều biến động, thì Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn sẽ mãi là biểu tượng sáng ngời của sức mạnh Việt Nam - sức mạnh của lòng yêu nước, của trí tuệ và của bản lĩnh ngoại giao. Từ chiến hào tới bàn đàm phán, từ lòng chảo Điện Biên tới Hội nghị Giơ-ne-vơ đã hình thành nên một nền ngoại giao hiện đại, kiên định mà linh hoạt, bản lĩnh mà hòa hiếu - một di sản quý báu mà chúng ta cần tiếp tục phát huy trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước hôm nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
-
Lãnh đạo Sở Ngoại vụ tham dự Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025
(15-04-2025) -
Tương lai cho thế hệ vươn mình
(27-03-2025) -
Chính sách thị thực ngoại giao mới của Anh
(27-03-2025) -
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đăng Quang tham dự Lễ kỷ niệm Ngày sinh Nhật Hoàng lần thứ 65
(25-02-2025) -
Permanent Deputy Secretary of the Provincial Party Committee Nguyen Đang Quang Attends the Japanese Emperor Naruhito’s 65th birthday celebration
(25-02-2025) -
Phối hợp tốt cho Đợt hoạt động chung tìm kiếm MIA lần thứ 158 tại Quảng Trị
(25-02-2025) -
Rạng rỡ Việt Nam
(11-02-2025)