Chi tiết tin - tin tức sự kiện - Sở Ngoại Vụ

Thái Lan – Việt Nam cùng hợp tác vì lợi ích phát triển của Khu vực tiểu vùng sông Mekong

06-08-2021 14:05

Ngày 6/8/1976, Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Trải qua 45 năm kể từ dấu mốc quan trọng này, quan hệ giữa hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Dấu son trong quan hệ hai nước là sự kiện chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 25-27/6/2013. Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược” và trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau.

Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng về văn hóa, gần gũi với nhau về mặt địa lý. Chỉ xét riêng về mặt ngôn ngữ, trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng về âm điệu nhất. Một số từ đơn giản ở tiếng Thái phát âm gần giống như tiếng Việt. Ngôn ngữ Thái Mường có ở Việt Nam có cùng ngữ hệ khác mỗi chữ viết nên người Thái có thể nghe, hiểu được. Người Thái và người Việt có những nét tương đồng căn bản và cùng sinh sống trên một Khu vực Tiểu vùng sông Mekong (gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Cam-pu-chia) nên xu hướng gắn bó, hợp tác cùng nhau trong tiến trình phát triển là điều dễ hiểu.


Ở khía cạnh dân số, tổng dân số của Việt Nam và Thái Lan vào khoảng hơn 170 triệu dân - chiếm hơn 70% dân số của Khu vực tiểu vùng sông Mekong với quy mô khoảng 240 triệu người tương đương với quốc gia đông dân thứ 4 thế giới. Quy mô GDP của hai nước đạt gần 900 tỷ USD - chiếm hơn 90% tổng thu nhập của cả Khu vực tiểu vùng sông Mekong cộng lại. Điều này cho thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của Việt Nam, Thái Lan và mối quan hệ của hai nước tại khu vực lục địa có một nửa số nước của ASEAN này.


Ngoài sự vượt trội về quy mô dân số và quy mô nền kinh tế, Việt Nam và Thái Lan có 13 cặp tỉnh/thành thiết lập quan hệ kết nghĩa, quan hệ hữu nghị; trong đó tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và tỉnh Mukdahan (Thái Lan) đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị kể từ năm 2005.

 

 

 

Tỉnh trưởng Mukdahan thăm và làm việc tại Quảng Trị vào  tháng 12/2019


Theo thống kê, có hơn 100.000 người Thái Lan gốc Việt đang sinh sống, làm việc ở Thái Lan. Và một điều dễ nhận thấy là cộng đồng Việt Kiều tại Thái Lan đã có những đóng góp quan trọng làm cầu nối hỗ trợ cho mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan, góp phần cho sự phát triển kinh tế xuyên quốc gia, đồng thời giúp tăng cường mối liên kết giữa hai quốc gia về hợp tác thương mại, văn hóa và giáo dục.


Như vậy, mối quan hệ Thái Lan – Việt Nam đã được hình thành dựa trên những yếu tố liên hệ tự nhiên và đang tiếp tục được thúc đẩy bởi sự thành công của cả hai nước trên nhiều lĩnh vực. Thực tế cho thấy, mối quan hệ hợp tác Thái Lan – Việt Nam có điều kiện và cơ hội để trở thành biểu tượng của sự phát triển Khu vực tiểu vùng sông Mekong. Mối quan hệ hợp tác cùng phát triển này không đơn thuần chỉ vì lợi ích của hai nước mà còn vì sự ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của người dân trong khu vực.


Trong những năm vừa qua, khi Việt Nam đang vươn lên trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thì Thái Lan ngày càng trở nên mạnh mẽ trong triển khai các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào các nước lân cận Khu vực tiểu vùng với chiến lược “Mekong hóa”. Các con số cho thấy, quy mô đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan đã vượt quá quy mô thu hút đầu tư trực tiếp vào trong nước năm thứ tư liên tiếp ở giai đoạn 2016-2019. Tại khu vực ASEAN, đầu tư ra nước ngoài lũy kế hàng năm của Thái Lan chỉ xếp thứ hai sau Singapore. Trong giai đoạn gần đây, Việt Nam đã trở thành địa chỉ yêu thích và là nước chiếm phần lớn giá trị nguồn vốn đầu tư của Thái Lan ra nước ngoài. Chính vì thế, chúng ta đã bắt đầu quen với cái tên của các tập đoàn lớn tại thái Lan như Central Group, Siam Cement Group, Amata Group, CP Group…thông qua các dự án đầu tư khổng lồ của các tập đoàn này vào Việt Nam.


Xu thế tăng cường liên kết kinh tế vùng là một tất yếu tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu mở rộng không gian phát triển kinh tế của các nước. Giữa các nước Khu vực Tiểu vùng sông Mekong cũng đã hình thành và phát triển mối liên kết như vậy. Hoàn cảnh hiện tại cho thấy, Thái Lan và Việt Nam là hai nước có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong chất keo kết dính các mối liên kết này. Thái Lan với chiến lược “Mekong hóa” sẽ thu nhiều lợi ích từ xuất khẩu hàng hoá và dịch và đầu tư FDI vào các nước còn lại. Trong đó, già nửa lợi ích Thái Lan thu được từ hợp tác tiểu vùng sông Mê Công đến từ Việt Nam. Việt Nam lại là nước được hưởng lợi từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua sự chuyển dịch FDI từ Thái Lan sang Việt Nam bao gồm cả nguồn FDI của các tập đoàn của Thái Lan. Điều đáng lưu ý là sự dịch chuyển này hoàn toàn không chứa đựng yếu tố cạnh tranh trực tiếp, mà trái lại, còn phù hợp với nhu cầu tái cấu trúc chuỗi giá trị gia tăng trong khu vực và toàn cầu. Ví dụ như Panasonic chuyển những nhà máy sang Việt Nam để sản xuất tivi, máy lạnh, máy giặt, hàng gia dụng… do lợi thế giá nhân công rẻ hơn, đồng thời tái cấu trúc nhà máy tại Thái Lan để sản xuất pin cho xe hơi điện và công nghệ cao hơn.


Những phân tích trên cho thấy rằng, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau kết hợp cùng với nhu cầu hợp tác cùng phát triển của hai quốc gia sẽ tạo đà cho quan hệ Việt Nam - Thái Lan. Sau 45 năm, mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa, nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa. Hy vọng rằng, mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng đạt được nhiều cột mốc quan trọng, trở thành trụ cột và biểu tượng của sự thịnh vượng trong toàn khu vực.

Nguồn tin: Nguyễn Đức Thiện – Giám đốc TTPVĐN - PCT Hội hữu nghị Việt - Thái

Sở Ngoại vụ Quảng Trị
Địa chỉ: 20 Lê Đại Hành - TP.Đông Hà - tỉnh Quảng Trị - Việt Nam
Điện thoại: +84 233 3550383 - 3854745 - 3852439
Fax: +84 233 3851200 Email: songoaivu@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ