Chi tiết tin - tin tức sự kiện - Sở Ngoại Vụ

Rà phá bom mìn thúc đẩy sinh kế bền vững cho cộng đồng bị ảnh hưởng tại tỉnh Quảng Trị

27-06-2023 14:03

Bốn đôi bàn tay thoăn thoắt nhặt từng củ ném trên nền cát mịn. Họ chọn lọc những củ đẹp và tròn nhất để sang rổ bên phải. Những củ chưa thật ưng ý đặt vào rổ bên trái. Đây là thành quả sau 5 tháng lao động miệt mài của gia đình ông Phúc và gia đình bà Ái-ông Đặng. Trong vài tuần tới, những củ ném này sẽ được bán cho các chợ với doanh thu ước tính khoảng 10 triệu đồng (tương đương 430 USD).

“Chúng tôi mới trồng ném ở đây được khoảng bốn năm rồi. Trước đây, khu vực này dùng để trồng tràm”, ông Phúc chia sẻ.

Ném là một trong những loại cây gia vị phổ biến và quen thuộc nhất của người dân miền Trung Việt Nam. Loại cây này từ lâu đã được đánh giá cao không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn vì nó mang lại hương vị và màu sắc cho nhiều món ăn mặn khác nhau.

Thôn 2, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng là khu vực giao tranh ác liệt trong chiến tranh. Từng trải qua cuộc chiến tàn khốc, bốn người họ không ai muốn nhắc lại, phần vì lúc đó họ còn quá nhỏ, phần vì những mất mát chiến tranh gây ra.

“Tất cả những gì tôi nhớ là sau khi chiến tranh kết thúc, bom đạn đầy ở đây. Nhiều người mất mạng do cố gắng nhặt phế liệu từ bom đạn”, ông Đặng nhớ lại.

Bom đạn còn sót lại trên mảnh đất này khiến người dân không thể tận dụng tối đa đất canh tác. Họ thường bỏ hoang đất hoặc trồng tràm lấy củi cho năng suất thấp vì với giống cây này không cần đào đất sâu. Trên bản đồ sử dụng đất của thôn 2 năm 1989, ông Do, chủ nhiệm hợp tác xã, đã chỉ ra khu vực bị ô nhiễm được MAG rà sạch năm 2019. “Khu vực này màu xanh, nghĩa là hồi đó người dân trồng cây tràm.”

 

Sau khi MAG rà phá gần 495.000 m2 đất bị ô nhiễm tại thôn 2 năm 2019, chính quyền xã và Hợp tác xã thôn đã phân chia đất cho người dân canh tác. “Không có gì tốt bằng việc trồng ném trên mảnh đất này. Mỗi năm, chúng tôi trồng ném vào sáu tháng mùa mưa. Loại cây này đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều”, ông Phúc chia sẻ.

 “Để tôi tính cho nghe, trồng ném thì một sào lãi khoảng mười triệu. Tổng diện tích ở đây là 50 mẫu ném, vậy tổng thu nhập mỗi vụ của toàn bộ bà con ở đây trên năm tỷ đồng. Trong khi đó cả vùng này tước đây trồng tràm và sau 16 năm khai thác chúng tôi chỉ lãi 30 triệu đồng”, ông giải thích.

Trong thôn, gia đình ông Phúc và gia đình bà Ái cũng trồng lúa nhưng thu nhập thấp hơn nhiều so với trồng ném. Họ chỉ kiếm được một triệu đồng từ một sào lúa, trong khi trồng ném có lợi nhuận gấp mười lần. Bà Ái chia sẻ: “Khi bắt đầu trồng ném, chúng tôi nghĩ rằng đây là phần phụ. Nhưng không ngờ ném lại trở thành loại cây cho thu nhập chính”.

“Phải nói đến công sức của những nhân viên rà bom của MAG. Nếu không có họ thì giờ mảnh đất này chắc vẫn sẽ bị bỏ hoang hoặc trồng tràm thôi. Người dân sợ bom đạn nên cũng sẽ không làm gì khác cả”, ông Đặng nói. “MAG đã rà sạch bom đạn giúp chúng tôi yên tâm canh tác, nhất là những lúc làm đất phải cày đất sâu tới 30 cm trước khi trồng ném.”

Ông Phúc ngồi bên cạnh chia sẻ thêm: “Thứ nhất là sạch được bom đạn. Thứ hai là chúng tôi không còn sợ mặn khi canh tác. Những mảnh bom gỉ khiến đất ở đây bị nhiễm mặn, khó trồng trọt. Nếu không cẩn thận mảnh bom còn đâm vào tay khi làm việc khiến chúng tôi bị nhiễm trùng và uốn ván”.

Khu vực này giờ trở thành trung tâm trồng và cung cấp ném tại địa phương, tạo nên nhiều thay đổi trong đời sống của người dân. Giờ đây, họ có thể yên tâm canh tác trên chính mảnh đất của mình, có thu nhập tốt và cùng hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Thành công của mô hình trồng ném này đã tạo động lực cho các khu vực lân cận để áp dụng phương thức canh tác nông nghiệp bền vững. Ông Do, Chủ nhiệm Hợp tác thôn cho hay, cây ném thậm chí đã giúp chất đất ở đây tốt hơn say bốn năm canh tác.

“Cách tốt nhất để thu được ném chất lượng cao là bón phân sinh học. Ngoài ra nếu phun thuốc hóa học để trừ nấm cây ném cũng sẽ chết. Chúng tôi sử dụng vôi bột để chữa bệnh cho cây. Cách canh tác này đã khiến cây phát triển tự nhiên và giúp đất trở nên tơi xốp. Ở nhiều nơi cát đã chuyển thành đất đen tơi xốp. Các loại cây gia vị như ném là có tác dụng xử lý đất.”

Nhìn những thành quả có được ngày hôm nay tại vùng đất trước đây bị bỏ hoang, ông Đăng chia sẻ, “Chiến tranh kết thúc rồi mà phải sau mấy chục năm vùng đất này mới không còn bom đạn. Giờ tôi chỉ mong thời tiết thuận lợi để cây ném phát triển tốt, được mùa và có thu nhập cao”.

Gia đình bà Ái-ông Đặng và gia đình ông Phúc là 2 trong số 170 hộ dân sản xuất và canh tác trên vùng đất được MAG rà sạch bom đạn với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ. 160 vật liệu nổ đã được tìm thấy, tiêu hủy an toàn và rất nhiều tương lai mới được xây dựng từ những vùng đất tưởng chừng như không thể canh tác.

Thôn 2, xã Hải Thiện cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt và thiên tai ở tỉnh Quảng Trị. Hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn nhân đạo nơi đây đã mở rộng diện tích canh tác, giúp người dân có thêm thu nhập từ trồng trọt và tăng nguồn lương thực dự trữ trong giai đoạn thiên tai. Cách thức canh tác của họ cũng giúp những mảnh đất hồi sinh sự sống, đẩy lùi hiện trượng sa mạc hóa đang diễn ra. Điều này giúp cộng đồng tự vững, tăng cường khả năng ứng phó và chống chịu trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Các kỹ thuật viên của MAG rà phá bom đạn trên khu vực đã được xác định ô nhiễm tại thôn 2, xã Hải Thiện (Ảnh chụp năm 2019)

 

Nguồn: MAG

 

 

Sở Ngoại vụ Quảng Trị
Địa chỉ: 20 Lê Đại Hành - TP.Đông Hà - tỉnh Quảng Trị - Việt Nam
Điện thoại: +84 233 3550383 - 3854745 - 3852439
Fax: +84 233 3851200 Email: songoaivu@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ